Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Dược thiện cho người tăng huyết áp

Bài 1: Mộc nhĩ trắng 10g, mộc nhĩ đen 10g, gạo tẻ 50-100g, đường phèn vừa đủ. Cách làm: Ngâm mộc nhĩ cho nở ra, bỏ núm ở đế cuống, thái thành miếng nhỏ nấu với gạo tẻ thành cháo, khi chín cho đường phèn vào ăn hết trong ngày.

Bài 2: Hạ khô thảo 20g, thịt lợn nạc 50g. Cách làm: Thịt lợn thái mỏng, cho vào nồi cùng hạ khô thảo, thêm nước, đun nhỏ lửa, nấu chín ăn. Mỗi ngày ăn hai lần vào bữa cơm.

Hạ thảo khô.

Bài 3: Sắn dây tươi 50g, sa sâm 20g, mạch đông 20g, gạo tẻ 60g. Cách làm: Rửa sạch sắn dây tươi, thái thành lát mỏng, cho nước vào xay cùng với sa sâm và mạch đông, gạn lấy bột, phơi khô. Cho bột này vào cháo gạo để ăn trong 1 ngày. Có thể làm một lượng lớn loại bột trên để ăn dần, ăn thường xuyên.

Bài 4: Lá dâu tươi 20g, thịt trai sông 50g, nấm hương 20g, hành củ khô 2 củ, gạo tẻ 100g. Cách làm: Lá dâu, nấm hương và thịt trai làm sạch, thái nhỏ, hành khô đập dập. Cho tất cả vào nồi nấu cháo ăn hàng ngày có tác dụng hạ huyết áp tốt.

Bài 5: Bột ngô lượng vừa đủ, xa tiền tử 15g, gạo tẻ 60g. Cách làm: Xa tiền tử gói lại, đem nấu lấy nước, bỏ bã, có thể cho thêm lượng nước vừa phải vào nấu cháo với gạo tẻ. Bột ngô ngâm nước lạnh cho nở ra sau đó cho vào cháo nấu chín nhừ ăn hằng ngày.

Bài 6: Đậu đỏ 30g, đậu đũa 30g, táo đỏ 10-15 quả. Cách làm: Cho tất cả vào nồi cùng lượng nước vừa đủ để nấu chín mềm nguyên liệu. Hằng ngày dùng món này vào lúc sáng sớm khi bụng đói hoặc dùng trước khi đi ngủ. Dùng liền trong một tháng.

Đậu đỏ.

Bài 7: Hải sâm 30g, đường phèn 30g. Cách làm: Hải sâm nấu chín nhừ, rồi cho đường phèn vào, nấu sôi lại thì tắt bếp. Dùng trước bữa ăn trưa.

Bài 8: Cá diếc 1 con, lá dâu 20g. Cách làm: Cá diếc làm sạch, lá dâu thái chỉ. Cho cả hai thứ vào nồi thêm nước và gia vị vừa đủ nấu canh ăn hằng ngày.

Bài 9: Quyết minh tử 20g, cúc hoa 15g, gạo tẻ 100g. Cách làm: Dược liệu sắc lấy nước, bỏ bã. Gạo tẻ 100g nấu cháo, cháo được thì cho nước sắc thuốc vào thêm 15g đường trắng, đun sôi đều, chia 2 lần ăn trong ngày. Không dùng cho người bị tiêu chảy.

BS. Thanh Xuân

Nóng bức kéo dài uống gì giải nhiệt?

Với người “tròn trịa” thì râu bắp, mã đề, thuốc dòi, atiso, uống thích hợp hơn. Đối với người gầy thì rong biển, dưa hấu… sẽ tốt hơn vì vừa mát vừa sinh được tân dịch làm mềm mại da dẻ. Người gầy, thể chất yếu, hay bị cảm, dễ uể oải, hay mệt, gặp nóng thì không có tinh thần làm việc thì kết hợp với mía lau, đường phèn, thuốc dòi, lẻ bạn. Tùy theo mùa mà chọn loại thức uống phù hợp, linh động thay đổi loại thức uống cũng làm phong phú thêm cho thực đơn hàng ngày.

Rong biển: có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều khoáng chất, trong đó đặc biệt là lượng canxi, iốt cao, hàm lượng cholesterol thấp, còn có chất fertile clement là chất không thể thiếu của tuyến giáp trạng, tốt cho thai phụ và trẻ em. Theo y học cổ truyền, rong biển màu đen hoặc xanh, vị mặn, ngọt nhẹ, tính mát, quy vào kinh thận, bổ được thận âm và thận khí. Tạng thận là tạng chủ về thủy, tức là sự tươi mát, dẻo dai của cơ thể. Nước rong biển vì vậy rất thích hợp để bồi dưỡng cho những người gầy yếu, tiêu hóa không tốt, thường cảm thấy nóng lòng bàn tay chân, tiêu bón, da dẻ không mềm mại, khô khát thích uống nước hoài.

Rong biển

Rễ tranh: theo đông y, rễ cỏ tranh có màu trắng hoặc vàng nhạt, vị ngọt, tính hàn, vào các kinh Tâm, Phế, Tỳ, Vị và Bàng quang, có công năng thanh nhiệt (làm mát), lợi tiểu, thanh phế nhiệt (làm mát cái nóng ở vùng ngực, dùng tốt trên người có ho mà nóng ran ngực). Và bởi vì có tính mát, lại lợi tiểu, nên người gầy, suy kiệt nhiều tuy có nóng trong người nhưng hạn chế dùng, vì tiểu tiện dễ góp phần giảm lượng nước trong cơ thể thêm, người sẽ càng nóng nảy.

Rễ tranh và mía lau

Mía lau: thân nhỏ, mảnh hơn so với các loại mía khác, vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, trợ tỳ, kiện vị (giúp ăn ngon miệng), lợi đại tiểu trường (đi tiêu tiểu dễ), làm mát, giảm ho, giảm nóng, giải độc rượu, giải được các sức nóng của thuốc. Đặc biệt, mía lau có tác sinh tân (làm mát bằng cách tạo thêm tân dịch) nên ít gây tác dụng phụ gây lợi tiểu quá mà mất nước, có thể dùng lâu dài. Tuy nhiên, người nóng trong người có ho, gặp lạnh ho lại tăng thì không nên dùng.

Râu bắp: còn có tên gọi là ngọc mễ tu, có chứa nhiều loại vitamin. Theo y học cổ truyền, râu bắp có vị ngọt, tính bình, quy kinh thận, bàng quang, có công năng lợi tiểu, tiêu thũng (giảm phù), thông lợi mật, thanh huyết nhiệt (làm giảm nóng nảy, bứt rứt, mụn nhọt), chỉ huyết. Đối với người mập, tăng axít uric, tăng cholesterol máu, dùng râu bắp làm nước uống hằng ngày rất tốt cho sức khỏe.

Bông cúc: vị ngọt đắng, tính hơi hàn, quy kinh Phế, Can, Thận. Bông cúc có tác dụng giải cảm hạ sốt tiêu viêm, giải độc (làm giảm sưng viêm các mụn nhọt), làm sáng mắt. Vì vậy bông cúc đặc biệt cần thiết cho những người mắt mờ, mắt hay khô cộm, hoặc dễ bị kích ứng mắt, đỏ mắt, mắt nhắm lại thấy nóng, người bị tăng huyết áp nhức mắt, nhức thái dương, nặng nửa đầu, khó ngủ, nửa đêm hay tỉnh. Người ăn uống khó tiêu, dễ lạnh bụng, ăn dễ trúng, dễ tiêu chảy, tay chân bủn rủn, yếu sức không nên dùng.

Mã đề: còn gọi là mã đề thảo, xa tiền thảo, xa tiền tử, nhả én. Tính mát, vị ngọt, quy kinh Can, Phế, tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt. Được dùng làm thuốc thông tiểu, chữa ho lâu ngày, viêm amiđan, viêm bàng quang, đau mắt đỏ tác dụng lợi tiểu, giải độc. Mã đề là một vị phụ thêm vào các loại nước mát, tuy nhiên, không dùng cho người gầy ốm và hay khó tiêu lạnh bụng.

Lẻ bạn (lão bạn): Trong đông y, cây lẻ bạn vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, cầm máu, nhuận phế, giảm ho, giải độc.

Khổ qua: tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, chống say nắng, sáng mắt, nhất là khi bị kiết lỵ do nóng. Khổ qua mắt to sẽ ít đắng hơn khổ qua đèo. Ngoài ra, trong điều kiện trời nóng, những người dễ bị ra mồ hôi hay bị nổi rôm sảy, ngứa, nấu nước khổ qua tắm một lần mỗi ngày làm giảm ngứa rõ rệt.

Ngoài các vị được kể trên, còn rất nhiều dược vị có tác dụng làm nước mát, vô cùng phong phú để lựa chọn như: thuốc dòi, sắn dây, vối, atiso… Nên nhớ nguyên tắc chung: “Nước mát” nên có tính lạnh, mát, thường là có các vị đắng nhẹ, lờ lợ hoặc ngọt nhẹ, tính thanh nhiệt, nên người tạng hàn (dễ bị lạnh, dễ cảm, ăn uống hay trúng…) hoặc đang suy nhược cơ thể, cũng cần dùng cẩn thận. Nước mát tác dụng lợi tiểu, vì vậy nếu dùng lâu dài thay nước uống có thể mất cân bằng điện giải, kém hấp thu một số vi khoáng như: canxi, kali…, dù là tốt, cũng không thể dùng thường xuyên.

BS. ĐẶNG THANH HỒNG AN

Chàm và cách trị liệu

Các nhân tố gây bệnh bên ngoài gồm: các mỹ phẩm, hương liệu, bột giặt và các chất tẩy rửa; các độc tố của động vật, một số loại protien của cá, tôm, sữa, hoa phấn, bụi nhà, các loại vi sinh vật, ánh nắng mặt trời, lạnh, động tác chà xát, gãi. Nguyên nhân bên trong gồm: thể chất quá mẫn, rối loạn về chuyển hóa, nội tiết, trở ngại của hoạt động thần kinh và tâm thần, mệt mỏi quá độ, thần kinh căng thẳng, các ổ nhiễm trùng, ký sinh trùng đường ruột, giãn tĩnh mạch, chứng nhiều mồ hôi, chứng da khô.

Những nguyên nhân

Đó là do ăn uống không điều độ, uống rượu, ăn cay hoặc tanh quá nhiều làm tổn thương đến tỳ vị. Tỳ mất kiện vận sẽ làm cho thấp nhiệt nội sinh và ứ trệ, đồng thời ngoại cảm phải phong thấp nhiệt tà. Nội ngoại tà tương tác với nhau rồi ứ trệ lại ở bì phu mà sinh ra bệnh.

Cũng có khi vì cơ thể hư nhược, tỳ bị thấp làm khốn, khiến cho cơ nhục không được nuôi dưỡng rồi sinh bệnh.

Cũng có thể còn vì thấp nhiệt uất lâu ngày, làm hao tổn phần âm huyết, huyết hư hóa táo rồi sinh phong, tạo nên chứng huyết hư phong táo, làm cho bì phu không được nuôi dưỡng mà thành bệnh.

cham

Chàm có 3 giai đoạn: chàm cấp tính; chàm bán cấp; chàm mạn tính.

Thể thấp nhiệt (chàm cấp tính): bệnh phát cấp, diễn biến ngắn. Tổn thương da đỏ và nóng, phù nề nhiều, xuất tiết nhiều. Tâm phiền, miệng khát, đại tiện táo, tiểu tiện ít và đỏ, rêu lưỡi vàng. Tình trạng này là do thấp nhiệt cùng thịnh, xâm phạm vào bì phu rồi gây nên bệnh.

Thể tỳ hư thấp thịnh (chàm bán cấp): bệnh kéo dài; tổn thương da thô và dày, có thể có xuất tiết nhẹ, thường có vảy da; miệng khát, đại tiện không khô hoặc lỏng, chất lưỡi nhợt, lưỡi bệu, có ngấn răng, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch trầm hoãn hoặc hoạt. Tình trạng này là do tỳ hư, thấp thịnh làm cho bì phu không được nuôi dưỡng mà sinh bệnh.

Thể huyết hư phong táo (chàm mạn tính): bệnh diễn biến mạn tính; tổn thương da dày, nứt nẻ, hay có vảy máu; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế hoặc trầm hoãn. Tình trạng này do bệnh lâu ngày làm hao tổn âm huyết, huyết hư phong táo gây nên bệnh.

Phòng và điều trị bệnh

Nguyên tắc: cố gắng tìm ra nguyên nhân rồi cách ly với nó, tránh kích thích da, loại trừ các ổ nhiễm trùng, điều trị tốt các bệnh mạn tính toàn thân như các rối loạn ở đường tiêu hóa, bệnh ký sinh trùng đường ruột, bệnh đái tháo đường, giãn tĩnh mạch… Tăng cường giữ vệ sinh da, không dùng nước nóng và xà phòng rửa nơi có chàm, không dùng các thuốc trừ ngứa có tính kích thích. Không được uống rượu, ăn các thức ăn cay; tránh ăn các loại cua, cá dễ gây kích thích và những đồ ăn khó tiêu hóa khác. Chú ý quan sát mối quan hệ giữa ăn uống và bệnh tình để có điều chỉnh cho thích hợp. Làm việc hợp lý, tránh lao lực và căng thẳng quá độ.

Điều trị toàn thân:

Thể thấp nhiệt cùng thịnh: thường gặp thể này ở giai đoạn chàm cấp tính.

- Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết giải độc.

- Bài thuốc Long đởm tả can thang gia giảm: nhiệt thịnh: gia bạch mao căn, thạch cao; nhiệt độc thịnh: gia đại thanh diệp; đại tiện táo: gia đại hoàng. Cũng có thể dùng Thanh nhiệt lợi thấp thang.

Thể tỳ hư thấp thịnh:

- Pháp điều trị: kiện tỳ, táo thấp, dưỡng huyết nhuận phu.

- Bài thuốc: Trừ thấp vị linh thang gia giảm: thấp thịnh, xuất tiết nhiều gia: tỳ giải, xa tiền tử.

Thể huyết hư phong táo:

- Pháp điều trị: dưỡng huyết sơ phong, trừ thấp nhuận táo.

- Bài thuốc: Tiêu phong tán hoặc Tứ vật tiêu phong tán gia giảm: thấp thịnh gia: xa tiền tử, trạch lan. Ngứa nhiều gia: bạch tật lê, khổ sâm.

Điều trị tại chỗ:

Giai đoạn cấp tính:

Khi bệnh mới phát chỉ đỏ tại chỗ, sẩn và mụn nước chưa vỡ, chưa xuất tiết thì nên dùng các thuốc ôn hòa tiêu viêm, tránh kích thích. Chọn cách đắp ướt các thuốc như thuốc rửa Lò cam thạch, dung dịch 2% băng phiến.

Khi các mụn nước đã vỡ và xuất tiết nhiều thì nên dùng các thuốc thu liễm, tiêu viêm... nhằm thúc đẩy da hồi phục. Có thể sắc lấy nước đặc đắp ướt những thuốc sau: rau sam 60g; hoàng bá, sinh địa du mỗi vị 30g; bồ công anh, long đởm thảo, cúc hoa, mỗi vị 30g.

Khi có bội nhiễm có thể thêm vào nước đắp các vị như: xuyên tâm liên, sài đất, bản lam căn.

Khi xuất tiết nhiều có thể dùng Tam diệu tán hoặc Trừ thấp tán, trộn với glycerin thành cao lỏng rồi bôi lên tổn thương.

Giai đoạn cuối của giai đoạn cấp tính là giai đoạn bong vảy, nếu xử lý không tốt sẽ rất dễ làm cho bệnh kéo dài và chuyển thành mạn tính. Lúc này nên dùng các thuốc bảo vệ tổn thương, tránh các kích thích từ bên ngoài, thúc đẩy lớp sừng tái sinh và giải quyết tình trạng viêm còn sót lại. Thuốc nên dùng là các bài Cao thanh lương, Cao hoàng liên.

Giai đoạn bán cấp: nguyên tắc điều trị lúc này là tiêu viêm, trừ ngứa, thu liễm. Có thể sử dụng mỡ oxít kẽm, Trừ thấp tán, Tân tam diệu tán luyện với dầu thực vật thành cao, dầu tử thảo 5%, dầu địa du - oxít kẽm 10%.

Chàm mạn tính: nguyên tắc điều trị là chữa ngứa, ức chế sự tăng sinh của biểu bì, tiêu trừ tình trạng viêm thâm nhiễm trong lớp chân bì. Có thể chọn cao hoàng liên, cao dầu đậu đen 10 - 20%...

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Khổ qua

Khổ qua là tên thuốc trong y học cổ truyền từ quả mướp đắng. Các nhà khoa học trên thế giới như Ấn Độ, Philipinnes, Brazil đã phát hiện trong quả mướp đắng có thành phần hóa học - chất charantin có tác dụng hạ đường huyết và nhiều tác dụng khác có lợi cho việc điều trị bệnh đái tháo đường. Đặc biệt, quả mướp đắng dùng ăn sống sẽ hấp thụ toàn bộ giá trị dinh dưỡng là phương pháp tốt để tận dụng nguồn vitamin C phong phú cùng với nhiều loại acid amin cần thiết cho cơ thể. Nghiên cứu gần đây phát hiện, mướp đắng có tác dụng giải trừ chất béo, mỗi ngày ăn từ 2 - 3 quả mướp đắng sẽ giúp bạn chống béo phì. Quả mướp đắng khi còn xanh chứa 188mg vitamin C. Nếu để chín, hàm lượng này giảm còn một nửa. Quả còn nhỏ có hàm lượng vitamin C cao hơn khi quả to. Bảo quản ở nhiệt độ lạnh có thể để được 4 tuần vẫn không ảnh hưởng đến hàm lượng của loại vitamin này.

Theo y học cổ truyền, khổ qua có vị đắng, tính lạnh không độc có tác dụng bổ dưỡng, thanh nhiệt, tiêu khát, nhuận tràng, giảm ho, lợi tiểu, giảm đau, trừ độc, rất tốt cho những trường hợp ăn khó tiêu, bụng đầy tức...

Thuốc thanh nhiệt, kiện tỳ, mát gan: quả mướp đắng ăn sống hoặc nhồi thịt băm đem hấp chín, ăn nóng.

Chữa ho, miệng khát, phiền nhiệt: mướp đắng 1-2 quả băm nhỏ, nấu với 400ml nước còn 100ml nước, uống làm hai lần trong ngày.

Chữa tiểu đường: quả mướp đắng còn xanh thái mỏng, phơi khô, tán bột. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 4-6g. Uống sau bữa ăn.

Chữa rôm sảy: mướp đắng 2-3 quả, thái nhỏ, nấu nước tắm, lấy bã xát nhẹ trên da.

Chữa chốc đầu: nước ép quả mướp đắng bôi hàng ngày.

Kiêng kỵ: mướp đắng tính hàn, vì thế người có tỳ vị suy yếu không nên dùng, ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng nên thận trọng.

DS. Nguyễn Thị Hồng

Các cổ phương chữa bệnh bằng mè

Hạt mè có tác dụng ích khí, dưỡng huyết, nhuận táo, bổ trung, hòa ngũ tạng, chữa được chứng phong thấp, lỡ ngứa và hư lao. Dùng ngoài đắp trị sưng tấy, vết bỏng và làm cao dán nhọt.

Lá mè vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng ích khí, bổ não tủy, mạnh gân cốt, khỏi tê thấp. Nấu lá mè làm nước gội đầu thường xuyên giúp tóc có màu đen mượt, da mặt thêm tươi tắn. Nếu giã lá mè tươi vắt lấy nước cốt uống chữa được bệnh rong huyết.

Nấu lá mè làm nước gội đầu thường xuyên giúp tóc có màu đen mượt, da mặt thêm tươi tắn

Theo “Bản thảo cương mục” hạt mè bổ dưỡng ngũ tạng, chưng với mật ong làm bánh chữa được “bách bệnh”. Sách “Nam dược thần hiệu” lại nói hạt mè vị ngọt, tính hàn, không độc, chất trơn, nhuận trường, giải độc, tiêu nhiệt kết, sát khuẩn, thúc đẻ, chữa mụn lở… rất công hiệu. Trong 2 loại mè trắng và đen thì mè đen giàu dược tính hơn nên thường làm thuốc chữa bệnh. Dưới đây là một số cách tiêu biểu chữa bệnh hiệu quả từ mè.

Ở Nhật Bản, muối mè là món gia vị bổ dưỡng và quân bình âm dương nên có thể dùng hàng ngày với bất cứ thức ăn nào, đặc biệt muối mè ăn với gạo lức là thực đơn căn bản của phương pháp thực dưỡng Ohsawa (ảnh, mè phải còn nguyên vỏ và muối phải là muối biển chưa tinh lọc đem rang).

Giáo sư Ohsawa còn bày cách dùng dầu mè làm một loại dầu nóng rất công hiệu gọi là “dầu mè gừng”: giã gừng tươi vắt lấy nước cốt trộn với một lượng dầu mè tương đương, dùng xoa xát hay đánh gió khi cảm, sốt; xoa bóp khi nhức mỏi, tức, trặc, sưng, bầm; bôi vết lở ở lỗ tai, mũi, ghẻ lác, xức dầu trị gàu và rụng tóc. Dưới đây là vài cách chữa bệnh từ mè theo cổ phương.

Chữa táo bón: táo vón biểu hiện đại tiện không ra, trong bụng tức ách, người bức bối khó chịu, nếu không chữa ngay sẽ trở thành chứng táo bón kinh niên. Cần dùng 1 chén dầu mè, hoặc nhai một nắm hạt mè trắng hay đen đều được vào mỗi buổi sáng, sẽ giúp đi tiêu dễ dàng...

Chữa viêm đại tràng mãn: dùng một thăng (ứng với 1 lít) mè đen rang có mùi thơm, cùng 1 chén mật mía. Mỗi lần uống lấy 1 thìa canh mè và 1/3 thìa canh mật mía trộn với nhau rồi uống, ngày 2 lần, uống trong 1 tháng sẽ khỏi.

Chữa trúng nắng ngất xỉu: theo “Nam Dược thần hiệu”, trời hè nóng nực người yếu khi ra trời nắng dễ bị trúng nắng ngất xỉu. Gặp trường hợp này lấy 1 thăng (1 lít), sao gần cháy, để nguội tán nhỏ uống mới nước mới múc. Mỗi lần uống 3 đồng cân (12g), rất công hiệu.

Chữa chứng ngộ độc nặng: theo “Nam Dược thần hiệu”, bị trúng độc nặng, đại tiện ra máu màu như gan hoặc nôn ra máu, đau bụng như cắt ruột, tức nghẹt, bụng trướng, rất dễ biến chứng do độc chất ngấm vào phủ tạng mà chết (nếu không chữa trị kịp thời), cần lấy ngay 1 bát dầu mè cho uống, chất độc sẽ nôn thốc ra được thì sẽ khỏi.

Chữa rụng tóc: theo “Hoa Hạ Kỳ Phương”, mỗi lần chải đầu tóc bị rụng nhiều hoặc sáng dậy thấy tóc rụng vương vải trên gối. Lấy 1 bát ăn cơm mè rang chín, tán nhuyễn thêm đường nấu uống tóc sẽ hết rụng và đen mượt.

Chữa tai bỗng bị điếc: theo “Nam Dược thần hiệu”, tai bỗng tự nhiên điếc, do thận bị bệnh làm thận khí và tâm khí bất giao (không giao thông với nhau) với nhau như bình thường. Vậy dùng dầu mè mỗi ngày nhỏ vào tai vài lần, mỗi lần vài giọt cho đến khi nào tai hết điếc thì ngừng.

Chữa đau răng: thường do hỏa trong người quá vượng mà phát nhiệt rồi sinh bệnh. Cần dùng 1 bát ăn cơm mè đen và 1 bát nước sắc còn lại 1 bát chia đều ra ngậm và súc miệng trong ngày nhiều lần. Sau khi súc miệng thì nhổ đi không nuốt. Chỉ cần 2 lần sắc thang này là khỏi đau.

Chữa bụng đầy trướng: theo cổ phương, lấy một bát ăn cơm mè đen, nấu thành cháo, thêm ít vỏ quýt thái nhỏ, múc ra để hơi nguội thì húp.

m hộ ngứa sinh lở: theo “Nam Dược thần hiệu”, lấy một nhúm mè, tự nhai nhuyễn đắp vào nơi ngứa lở vài làn sẽ khỏi.

Chữa ung thư (nhọt) vỡ phá miệng lâu ngày không thu: theo “Nam Dược thần hiệu”, dùng mè đen sao cháy, giã bột rắc vào sẽ thu miệng. Cách này rất hiệu nghiệm.

BS. HOÀNG XU N ĐẠI

Bài thuốc trị hôi nách

Hôi nách là một chứng bệnh ngoài da ấy thế mà nó làm cho không ít người buồn bực đến mất ăn mất ngủ. Điều oái oăm là mùi hôi ấy làm cho người bệnh khó chịu và rất bất tiện khi tiếp xúc với người khác. Nội kinh cho rằng hôi nách thuộc bệnh của can kinh, can có tà, khí tà lưu ở 2 nách mà gây mùi hôi.

Vị thuốc tân di.

Vị thuốc tân di.

Sau đây, xin giới thiệu với bạn đọc một vài phương thuốc trị hôi nách đơn giản để bạn có thể áp dụng khi cần:

Bài 1: Tân di, xuyên khung, tế tân, đỗ hành, cảo bản mỗi thứ 4g. Dùng giấm gạo để ngâm tất cả các vị thuốc trong một đêm cho nở, sau đó cho thêm nước vừa đủ rồi sắc lấy nước đặc. Mỗi đêm trước khi đi ngủ dùng thuốc này xát vào nách cho đến khi hết hôi. Năm vị thuốc trong phương này đều có vị cay, hương nồng, đồng thời có thể khu phong trừ thấp, hoạt huyết nên dùng chữa hôi nách rất hiệu quả.

Bài 2: Thanh mộc hương (còn gọi mật hương), hoắc hương, kê thiệt hương (tức mẫu đinh hương), hồ phấn (diên phấn) mỗi thứ 30g, tất cả nghiền thành bột mịn. Dùng vải bọc thuốc lại, để dưới nách hằng ngày cho đến khi không còn mùi hôi. Nếu thường xuyên dùng phương này có thể chữa được tận gốc chứng hôi nách.

Bài 3: lấy hồ tiêu (hạt tiêu) 14 hạt, hạt nhãn 6 hạt, hai thứ nghiền mịn, khi hố nách có mồ hôi thì dùng bột đó xát vào. Cách chế phương này rất đơn giản, hiệu quả chữa trị đáng tin cậy.

Bài 4: gừng tươi đem giã nát, vắt lấy nước cốt bôi vào nách. Hoặc thường xuyên dùng gừng tươi xát vào hố nách;

Hoặc: dùng thanh mộc hương xắt lát ngâm trong giấm một đêm, sau đó đem kẹp dưới nách, hiệu quả khá tốt.

Bài 4: phèn chua (khô phàn) đem phi lên rồi tán bột mịn xoa vào nách hằng ngày hoặc khi ra mồ hôi, hoặc sau khi tắm thì bôi vào nách.

Ngoài ra, có thể giảm bớt mùi hôi bằng cách hằng ngày năng tắm rửa, không uống rượu, không hút thuốc lá và chỉ nên ăn ít gia vị có tính kích thích như: tỏi, ớt, hành, kiệu... bởi vì những thứ trên có tác dụng tăng cường tiết mồ hôi, làm cho thành phần mồ hôi thay đổi khiến cho mùi hôi càng tăng thêm.

BS. Nguyễn Phương Hoa

Nhung hươu, nai: ôn thận tráng dương, sinh tinh, bổ tuỷ

Nhung hươu có nhiều chất vô cơ, hữu cơ, chất béo, acid amin, các men catalaza, peroxydaza, các chất hormon sinh dục nam và nữ (cholesterin, progestron, oestron và testosteron). Theo Đông y, nhung hươu vị ngọt, tính ôn; vào kinh thận, can, tâm và tâm bào lạc. Có tác dụng ôn thận tráng dương, sinh tinh, bổ tuỷ ích huyết. Dùng trong thận dương bất túc, tinh huyết hư, sợ lạnh, tay chân lạnh, đau lưng mỏi gối, liệt dương, tảo tiết, tiểu nhiều khó chủ động, da niêm mạc xanh tái, ù tai hoa mắt chóng mặt; nữ giới băng lậu đới hạ; trẻ em phát dục chậm, còi xương, chậm biết đi, chậm mọc răng; sợ lạnh nổi ban, vết thương mụn nhọt lâu lành, thiếu máu giảm bạch cầu, tiểu cầu. Liều dùng: Lộc nhung: 1- 4g, thường dùng làm thuốc hoàn và thuốc bột. Sau đây là một số cách dùng nhung hươu bổ thận tráng dương, dùng cho người thận dương suy nhược, liệt dương, đái són, váng đầu, ù tai, đau lưng.

Nhung hươu ngâm với mật ong và rượu bổ thận tráng dương, tốt cho người sợ lạnh, liệt dương, di tinh, thiếu máu…

Bài 1: lộc nhung sao với rượu, tán bột mịn. Mỗi lần uống 1 - 1,5g, chiêu bằng nước dâm dương hoắc (20g sắc lấy 1 bát nước). Trị liệt dương, đái són…

Bài 2: lộc nhung 1,5g, ô tặc cốt 20g, bạch thược 12g, đương quy 12g, tang ký sinh 12g, long cốt 12g, đảng sâm 12g, tang phiêu tiêu 12g. Các vị tán bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4 - 8g, chiêu với rượu trắng hâm nóng. Trị di tinh, đái són.

Bài 3: lộc nhung 15g (thái nhỏ), sơn dược 30g (thái lát), 500ml rượu 35o. Ngâm trong 7 ngày. Uống trong 8 - 10 ngày. Dùng cho bệnh nhân liệt dương, di tinh tảo tiết, tiểu nhiều khó chủ động.

Bài 4: Thận dê hầm nhung hươu: lộc nhung 4g, thỏ ty tử 15g, tiểu hồi 9g, thận dê một đôi. Tất cả hầm nhừ, thêm gia vị thích hợp. Dùng cho người thận dương hư đau bại vùng thắt lưng, khi lao động gắng sức đau tăng.

Bài 5: Rượu mật ong nhung hươu: nhung hươu 15g, mật ong 100ml, rượu 250ml. Ngâm trong 12 ngày. Uống trong 10 - 15 ngày (ngày 10ml). Dùng cho những người sợ lạnh, lạnh tay chân, liệt dương, di tinh, thiếu máu (chóng mặt xây xẩm), đau lưng mỏi gối.

TS. Nguyễn Đức Quang

Dược thiện cho người tăng huyết áp

Bài 1: Mộc nhĩ trắng 10g, mộc nhĩ đen 10g, gạo tẻ 50-100g, đường phèn vừa đủ. Cách làm: Ngâm mộc nhĩ cho nở ra, bỏ núm ở đế cuống, thái thà...